Hà Tĩnh cận tết

Luis Nguyen
7 min readJan 11, 2024

--

Jan 1st 2024

Khi chiếc xe chui qua Đèo Ngang và dần tiến vào địa phần Hà Tĩnh, một làn sương dày đặc quánh che mờ hai làn đèn đường, và chui len lỏi vào trong khe cửa xe. Qua cửa kính xe, không còn “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” như xưa, nhưng làn sương dày cũng khiến các hàng cây và những ngôi nhà cũng như dang tay vươn dài ra đan hẳn vào nhau, như những người khổng lồ đang ôm nhau nhảy múa đón chào năm mới trong ánh đèn nháy lấp lánh là trang trí hang đá của người dân giáo xứ Kỳ Lợi, khu dân cư vừa được chuyển về hai bên quốc lộ 1A mấy năm trước. Rồi cũng làn sương đó đậu lại trên da người, khiến cho cái ẩm ướt của đất trời lại rõ hơn bao giờ hết. Trong cái mù mịt và hư ảo đó, trong cái tiết trời mưa ẩm của đêm giao thừa tết tây đó, mình lại biết rõ hơn bao giờ hết, mình đã về tới nhà rồi.

Vũ Bằng nói rằng lòng người xa nhà như cây gỗ mục, bên ngoài không có gì khác lạ, nhưng bên trong thì khô khốc, rỗng toác mà lấy cánh hoa khẽ gõ vào cái cũng nghe thấy tiếng u buồn. Thì cây gỗ khô khốc đó hiện đã được quê hương ưu ái cho luôn cả chuỗi ngày “nhà đổ mồ hôi” với gió nồm ẩm và mưa phùn liên miên không ngớt.

Bao nhiêu năm rồi quay lại, cảnh vật vẫn vậy, nhưng con người mình thì đã đổi thay.

Trước kia khi còn “trẻ” hơn xíu, mình chỉ muốn chạy đi thôi. Có cái nơi nào mà thời tiết độc như Hà Tĩnh không nhỉ, khi mà những ngày hè thì nắng cháy da cháy mặt, đông tới thì mưa liên miên thấm cả bùn non. Giờ quay về, trưởng thành hơn chút xíu, thì thấy cái ẩm, nồm thì quanh năm, cứ chạm vào đâu cũng dính, chạm vào nhau cũng dính, da thịt dính vào nhau, nên tâm hồn cũng dính vào nhau. Vì thế mà con người ta sống lại nặng tình nghĩa hơn, nặng trong cả cái giọng nói hỏi thăm nhau “gớm cấy thằng ni dừ nhìn như ông tây mô rồi bây ạ, tóc nỏ chộ mô nựa tê mà râu ria thì xùm xoàm, a ri đi ngoài đàng tỷ nựa là ông nỏ biết thằng mô”. Đi càng xa, xa tít tận bên kia đại dương, thì giờ về những câu hỏi nhau nghe bình thường thế, vậy mà lại khiến mình cảm xúc đến vậy.

Trước kia, mình cứ “chê” cái dân nào mà kẹt đến thế, chả bao giờ chi tiền ra mua cái gì cho nó đắt đỏ. Đã thế, đánh giá người khác thành công hay không chỉ dựa vào người đó có nhiều tiền không, nhà to không, đi cái xe xịn không. Giờ trưởng thành hơn xíu, mới biết ở cái nơi mà chỉ cần một trận bão hay một trận lũ lụt là cuốn đi tất cả, thì người ta sẽ tiết kiệm hơn bao giờ hết, sẽ dành mọi thứ để cái nhà chắc chắn nhất có thể. Nhưng cũng là cái dân “kẹt” đó, khi hoạn nạn thì cũng sẽ bấu víu vào và giúp đỡ nhau hết mức. Cùng trong cái vùng trũng đó đi ra với nhau, nên gặp nhau ở đâu cũng rất “cục bộ”. Mình vừa rồi tới một trường đại học ở Hà Nội, vào cổng hỏi bảo vệ đường đi, thì bác bảo vệ nói “Ôông dân trong choa ah? Bác cụng Đức Thọ đây. Vô ngồi đây mần méng nác, để bác coi lịch rồi bác dẫn mi đi đến phòng họp”. Thế đó, đến cả bác bảo vệ cũng cục bộ thế đó.

Mà một cái tỉnh gì mà ai cũng biết tới nhau. Cũng đúng thôi, vì ở Hà Tĩnh thì con kiến chui trong nhà ai ở trong cầu Rác, ở ngoài Nghi Xuân người ta vẫn lôi chuyện đó ra nói chuyện với nhau mà. Trước kia mình “ghét” cái thói này lắm, về quê cái là không bao giờ có sự riêng tư nữa. Phải chấp nhận cái vùng đất ẩm ướt đó, con người ta lại “dính” với nhau hơn thật. Giờ trưởng thành hơn, lại thấy đó là một điều thật tuyệt. Đi đâu gặp ai cũng thấy là người quen. Vào quán ngồi ăn thấy bàn này qua chào bàn kia, rồi cuối cùng cả cái quán như là một bàn. Và vì cái thời tiết khí hậu độc thế, mà Nghệ Tĩnh lại thành cái nôi sản sinh ra bao nhiêu người con làm thuỷ lợi, môi trường. Mình thấy may mắn khi đi đâu từ Bắc vào Nam, gặp ai đó làm Thuỷ Lợi, thì tỷ lệ người đó là dân Nghệ Tĩnh chắc quá bán.

Hà Tĩnh vẫn siêu rẻ. Sáng đi ăn ram bánh mướt, no đến nửa chiều, mà mỗi người hết có hơn đâu hai chục nghìn. Hôm sau đi ăn thịt dê, cả bàn thịt ăn nhậu, nhưng tổng tiền chỉ chưa tới một trăm/người. Quá rẻ mạt. Ăn sướng bao nhiêu, thương người nông dân bấy nhiêu. Giữa cái thời tiết độc đó, trồng lên được con gì, cây gì ngon, thì lại không biết cách quảng bá, không biết cách chế biến đóng gói, không gì hết trơn, bán thô như thế như cho đi. Cam Hà Tĩnh ăn rất thanh, không ngọt xợt như quýt Úc, không cảm giác quá đường như cam ở ngoài Hà Giang hay Hoà Bình, nhưng mà đâu có ai biết tới đâu.

Cái thành phố Hà Tĩnh thì đường mở to ra hơn. Con đường Phan Đình Phùng giờ mở rộng mênh mang, nhưng mà có vẻ đường càng rộng thì càng kẹt xe và giao thông càng loạn. Nếu không có quy hoạch dài hạn, thì nguy cơ một thành phố cực mới nhưng lại chứa đựng toàn bộ vấn đề phát triển nóng của đại đô thị là có thật.

Ở thành phố xây nhà to hơn, thì về quê vẫn nghèo như vậy. Đi thẳng xuống gần biển, ngồi lại ở một quán tạp hoá, và quan sát thấy lâu lâu người dân quanh đó lại cầm nửa con gà, hay miếng thịt, sang gửi nhờ tủ đá của quán. Dân vẫn rất nghèo đến mức nhà không thể mua nổi cái tủ lạnh. Mà cũng đúng thôi, vùng quê nào phát triển chậm hơn, thì tỷ lệ giàu nghèo nó lại phình to đùng ra.

Nhắc đến kinh tế, lại nhớ tới chuyện của bà chị làm ngân hàng kể rằng năm nay nợ xấu nhiều lắm, người dân không có tiền gửi nhiều, đúng là không chỉ cả thế giới, mà ở cả cái vùng quê yên tĩnh bao quanh bởi sông Lam núi Hồng và sương mờ đó, cũng không thoát khỏi tác động.

Người dân thì tính vẫn thật. Ca sĩ lên hát trên sóng truyền hình trực tiếp chào đón năm mới, khi được phỏng vấn vẫn không quên gửi một câu hỏi xem ai lấy trộm mất cái túi của tui rồi.

Người dân thì vẫn lạc quan, chắc tại sống ở cái vùng đất thiên tai lâu năm nên quen rồi. Chạy xe mấy chục cây số từ trên tận Hương Khê chen nhau xuống thành phố để xem bắn pháo hoa, ai ngờ bắn được vài phút thì súng bị tịt. Nhưng mà lạc quan lắm, vì hỏi ai cũng nói là nhờ đó mà đợt tết nguyên đán sắp tới lại được xem bắn pháo hoa bù tiếp lần nữa, thế mà lại là một chuyện may!

Về nhà vội, đi cũng vội, chỉ kịp đi thắp hương cho ông bà, và chào hỏi vội một vài người thân trong nhà, rồi lại đi. Ai cũng hỏi, về thấy quê hương thay đổi gì không? Nhưng lần về này, thấy cảm nhận về quê hương lại khác hơn, thấu hiểu hơn câu ca của nhạc sỹ An Thuyên “Đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về”. Hà Tĩnh không chỉ là gia đình, là bố mẹ, là tổ tiên, là “quê mình thì mình thương” nữa. Lại càng không chỉ là câu Kiều của Nguyễn Du nữa. Hà Tĩnh cũng không chỉ là ấm chè xanh được ủ kĩ ngồi cả ngày chỉ biết kể chuyện nhà hàng xóm, hay mảnh đất đã chia tay mà vẫn còn nguyên văng vẳng câu hò chân quê, mộc mạc nữa. Quê hương thay đổi gì không ư? Mình không biết nữa, là quê đang thay đổi, hay chính con người mình thay đổi. Câu trả lời có lẽ là, khi một con người đã thấu hiểu nỗi khó khăn của cuộc đời thì họ sẽ mạnh mẽ, sẽ vững bước hơn dù bước chân chỉ nhích đi chầm chậm, Hà Tĩnh là đang phát triển thế đó, và mình cũng đang bước từng bước như thế đó. Chỉ mong mọi bước đi chậm đó, sẽ có các kế hoạch thật dài hạn, cụ thể hơn.

P/s: Ảnh chụp ngày hôm qua khi vừa quay lại Úc. Tổng kết, cứ mỗi lần ai đó nói mình cưới vợ đi, mình lại đánh dấu vô điện thoại để đếm. Chia ra trung bình mấy ngày ở Hà Tĩnh (một ngày 24 tiếng), thì cứ 1h38 phút (tức là tầm một tiếng rưỡi), sẽ có một người nhắc mình điều này. Quê choa là hấn “dính” nhau thế đó.

--

--

Luis Nguyen
Luis Nguyen

Written by Luis Nguyen

0 Followers

Hey Duy, don’t make it bad. Take a sad song and make it better.

No responses yet