Menindee bài số 2

Luis Nguyen
6 min readNov 14, 2023

--

April 22, 2023.

Sử dụng tư duy vượt giới hạn (thinking out of the box) trong công việc.

Nếu ai đó quan tâm đến môi trường và có thể đang sống ở Úc hoặc quan tâm tới nước Úc, thì chắc hẳn còn nhớ tới vụ cá chết hàng loạt ở hạ lưu sông Darling khu vực hồ Menindee vào đúng một tháng trước. Mình cũng đã có một bài viết tóm tắt trên fb khi mình tham gia cuộc họp khẩn của viện về tình hình hôm đó, ai muốn có thể đọc lại bài mình viết ở trên fb này vào ngày 20/3/2023.

Tình trạng cá chết tới hàng chục triệu con trắng cả trời như thế này cũng được thấy vào năm 2019. Như bài viết trước của mình, thì lý do năm xưa là do hạn hán, mực nước thấp và dòng chảy yếu, dẫn tới phân tầng nhiệt và tảo nở hoa, và dẫn tới lượng oxy trong nước giảm đột ngột, và cá chết. Còn với năm 2023 này thì tình trạng ngược hoàn toàn, khi mà Úc vừa trải qua một đợt mưa kéo dài liên miên và lũ lụt lớn. Nguyên nhân lần này được cho là do một lượng lớn chất hữu cơ (organic matters) như cây cỏ chết, xác động vật, các chất hữu cơ khác trong đất, theo dòng lũ và đổ xuống sông. Việc các vi sinh vật trong sông sử dụng hết oxy để phân hủy tiêu hóa các chất hữu cơ này cộng thêm nắng nóng tới tận 45 độ vào những ngày đó là nguyên nhân khiến cá bị chết (các bạn quan tâm có thể đọc lại bài viết trước của mình). Ngoài ra, vì lượng chất hữu cơ dồi dào này, cá được sinh trưởng rất nhanh và nhiều, cũng dẫn tới số lượng cá lớn hơn ở trong cùng một thể tích lưu vực.

Tuy nhiên có một vấn đề là không thể biết được cá chết bắt đầu từ thời gian nào và từ địa điểm nào. Lần đầu tiên người dân địa phương thấy là vào tầm ngày 16/3 và ở khu đập chính. Lưu vực này có nhiều đập khá phức tạp, lại ở khu vực hẻo lánh, và toàn bộ dữ liệu chỉ có là nhiệt độ nước mặt và lượng oxy trong nước ở một trạm quan trắc ở khu đập chính. Là cơ quan tư vấn cho chính phủ Úc về các vấn đề khoa học (National Science Agency), viện nơi mình làm phải tìm mọi cách để làm rõ hơn nguyên nhân cá chết.

Không thể dựa vào dữ liệu quan trắc vì không có, cũng không thể dựa vào người dân vì khu vực hẻo lánh, cả nhóm ngồi họp cả buổi mà không nghĩ ra làm sao để biết được thời gian cá bắt đầu chết. Nguyên nhân như ở trên có thể giải thích được tại sao cá chết, nhưng không giải thích được tại sao hàng chục triệu con chết cùng một lúc như vậy. Sau vài tiếng thảo luận, thì có một kết luận nữa được đưa ra, đó là dòng nước với lượng oxy thấp không phải khởi nguồn từ chỗ cá chết, mà trước đó cả tuần tới chục ngày, ở thượng lưu phía bắc chỗ đầu bang NSW nhiều trạm đã báo là lượng oxy trong nước đã thấp rồi. Có nghĩa là cá có thể đã chết với quy mô nhỏ thôi từ phía trên thượng nguồn rồi.

Lúc này, mình đang ngồi nghe các bác nói thôi, nhưng mà nghe tới đó thì mình chợt bảo, nếu như vậy thì có thể nhìn ảnh vệ tinh ở dọc dòng sông, theo thời gian và đi dọc dòng sông, để tìm xem cá chết từ đâu và từ khi nào. Và có một điều mình thích ở viện, đó là dù các bác nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm, và chức vụ cũng cao hơn mình rất rất nhiều, nhưng khi mình nói thế, thì tất cả đều quay lại lắng nghe. Mình giải thích là, cá chết thì chắc xác nó nổi lên, thế thì nếu nhìn từ vệ tinh xuống thì chỗ đó sẽ màu trắng, nếu mình cứ ngồi dò các đốm trắng đó xem nó trôi từ đâu và bắt đầu ra sao, thì mình tìm được thôi.

Sau đó một bác liên hệ ngay với bên PlanetScope và xin phép họ được sử dụng ảnh vệ tinh (cái này gọi là quyền lực của quan hệ nè, vì bình thường chắc phải ngồi xin phép thủ tục giấy tờ mãi mới làm được). Nhờ các tấm ảnh, thì vào ngày 19/3, cái ngày mà lúc báo chí đã viết ầm lên về tin buổi sáng hôm đó, thì rải rác khu vực sông Darling-Baaka (ảnh 1), có thể thấy hàng loạt đốm trắng rất lớn cả hàng mấy chục km của xác cá(chỗ mũi tên xanh trong ảnh). Rồi dần đi ngược lưu vực và dò lại thời gian thì có thể thấy được đốm trắng rất nhỏ di chuyển từ ngày 14/3 sang ngày 15/3 ở trước khu đập chính, đây chính là khoảng thời gian cá bắt đầu chết nè (ảnh 2).

Giờ xác định được thời gian rồi, thì một bác khác đi vào lấy dữ liệu của mực nước khu vực đó ngày hôm đó, và thấy được rằng mực nước tăng lên đột ngột, có thể do một ai đó làm quản lý đập mở cửa đập (ảnh 3). Việc mở cửa đập như thế làm cho lượng nước ít oxy đã di chuyển cả tuần từ thượng lưu về đó rồi giờ ào ạt đổ vào khu vực hồ Menindee và cá từ đó đã ở ngưỡng chịu đựng ngắc ngoải rồi thì giờ chết luôn cả chục triệu con.

Mình có ba bài học từ việc này.

- Việc quản lý đập mở cửa đập là vì họ nhìn thấy một số ít cá bắt đầu chết, và họ học bài học từ năm 2019 về nguyên nhân cá chất do phân tầng nhiệt và hạn hạn kia, và để tránh cá chết nhiều hơn, họ mở cửa đập để tặng độ hòa trộn (mixing trong nước), đúng lời khuyên họ nhận được sau sự việc năm 2019. Họ không biết rằng, tình trạng, và cách giải quyết 4 năm trước nó ngược hoàn toàn với bây giờ. Nước thiếu oxy đổ vào đột ngột và hòa lẫn với nước gốc trong hồ khiến cá chết hàng loạt. Điều này cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của việc tư vấn và cập nhật khoa học cho các cơ quan, tổ chức quản lý như thế nào. Nếu như các nhà quản lý (operational) kia được tư vấn có lẽ đã tránh (giảm thiểu) được thảm hoạ kia.

- Việc sử dụng ảnh vệ tinh để tìm thời gian cá bắt đầu chết chỉ là ý tưởng bất chợt, nghe như một lời nói tán gẫu với nhau vì chưa ai dùng phương pháp đó cả, nhưng lại rất hiệu quả. Có lẽ trong mọi lĩnh vực, việc sử dụng tư duy ở ngoại biên của bản thân nên được áp dụng mọi lúc mọi nơi.

- Khi đi làm, có rất nhiều người giỏi hơn mình rất nhiều, kinh nghiệm hơn rất nhiều, và tất nhiên, quyền lực hơn rất nhiều, nhưng đôi lúc, một tý máu liều và sự tự tin có thể giúp công việc được giải quyết.

Bài học cuối cùng, ngoài ba điều trên, đó là dù biết được bên quản lý đập có thể làm vậy, nhưng không một bác nào chính thức nói điều đó cả. Nhiều lý do lắm, ở đó rất nhiều bên quản lý của nhiều con đập, rồi còn quan hệ, chính trị, và nhiều điều nữa, nên đôi lúc lựa chọn im lặng sẽ tốt hơn, nhất là từ cơ quan tư vấn khoa học nữa, một lời nói ra có sức nặng lắm, và có thể ảnh hưởng tới nhiều nơi. Trừ khi có bằng chứng cụ thể (dữ liệu quan trắc chẳng hạn), và có các cuộc điều tra chính thức, thì mới lên tiếng, chứ nếu không, cứ để ở bàn tròn chém gió thôi, như trên mạng xã hội như thế này. Đây cũng là bài học cho người rất trẻ như mình, đó là đôi lúc cần phải giữ im lặng, vì lợi ích và sự phát triển chung của toàn bộ mọi người.

Cheers,

--

--

Luis Nguyen
Luis Nguyen

Written by Luis Nguyen

0 Followers

Hey Duy, don’t make it bad. Take a sad song and make it better.

No responses yet