Mình đã APPLY LẠI chương trình Tiến sĩ như thế nào
01 October 2023.
Nhân dịp mọi người đang quan tâm tới bài đăng của mình về CV of Failures, mình muốn kể về một cú ngã mà mình đã trải qua, và mình đã đứng dậy như thế nào.
Chuyện cũng đã khá lâu (gần 10 năm trước rồi), nhưng vì mình có thấy một bạn trong nhóm này (Daisy Kim) có đăng bài hỏi về việc bạn ấy đã bỏ học giữa chừng vì “không thể thích nghi được với phong cách của giáo và môi trường của lab”, và sức khỏe tinh thần đi xuống, suy sụp, và nghỉ học. Giờ bạn ấy ổn định lại tinh thần, và vẫn thấy muốn theo đuổi con đường học hành, nên apply lại, nhưng lại bị các giáo từ chối. Đã có một bạn khác cho lời khuyên dưới comment, nhưng vì mình muốn bổ sung, nên mình muốn trả lời lại cho Daisy, nhưng đang trả lời giở thì mình nghĩ là mình nên viết một cái post riêng biệt, vì có thể sẽ có ích với nhiều người khác giống mình.
BEFORE THE FALL
Chuyện là ngày đó mình được nhận vào một trường top 10 ở Mỹ, mình còn được cả NSF scholarship, combined with presidential fellowship của trường, nên học bổng của mình rất cao (stipend là 36k/năm cho hồi 10 năm trước, hồi đó mình nghĩ standard stipend là 25k/năm cho hầu hết các trường ở Mỹ).
Lab của mình cũng mạnh, giáo mạnh, funding nhiều, papers của giáo toàn trên tạp chí rất khủng (PNAS, Physical Review Letter, Nature Physics, etc.), và trong lab cũng toàn nhân vật khủng, toàn các bạn tốt nghiệp từ trường top 1, 2 vào làm, và toàn Mỹ trắng, có một bạn người Trung nhưng mà bạn ấy học Thanh Hoa mà tốt nghiệp sớm sau 3 năm, sau sang làm thạc sĩ ở MIT, rồi vào lab mình. Giáo cũng rất supportive, và rất tâm lý, và cũng quan tâm tới mình (ngày mình tới thì ông là người đón mình ở sân bay và đưa mình về chỗ trọ, ông còn đưa mình túi ngủ và ít đồ ăn mà vợ ông chuẩn bị vì nghĩ rằng đêm đầu tiên tới Mỹ mình không có đồ ăn).
Nói chung mọi thứ khởi đầu đều rất tuyệt vời.
Mọi vấn đề đều là ở chỗ mình, mình phải chuyển từ một môi trường chưa bao giờ tiếp xúc với nghiên cứu, và đi vào lab thì mình không biết làm gì cả. Cộng thêm đề tài nghiên cứu cũng khác với kiến thức mình đã học ở đại học. Và cái learning curve rất lớn đó, mình bị chới với. (Dừng lại đây một xíu, vì có bạn sẽ thắc mắc là tại sao mình được tuyển vào lab, đúng dù là mình ko có cái publications nào, cũng chưa từng làm nghiên cứu, nhưng mình tốt nghiệp đại học đứng đầu khóa với GPA gần tuyệt đối từ một trường ĐH lớn ngoài VN, và các giấy tờ khác của mình cũng rất tốt, ví dụ điểm TOEFL của mình là 111/120, và điểm GRE của mình ở trong top 5%, mình cũng rất trau chuốt hồ sơ như bài luận, CV và website riêng, thậm chí, có thể các bạn không tin, nhưng mình viết cả một bài đàn guitar với theme về cái đề tài Vật Lý mà mình muốn theo học, rồi cho nó lên website, và nó từng rất impressed khá khá giáo sư, đặc biệt là các ông giáo già).
Mình vào lab thì làm như điên, không nghỉ cuối tuần, chưa ngày nào mình rời lab mà chưa phải là nửa đêm cả. Mình còn quen luôn cả cái bạn trực bảo vệ trường, vì mình phải đi bộ từ lab về chỗ nhà mình ở rìa của campus, khoảng gần 2km, và nhiều lần mình phải nhờ bạn đó escort mình về cùng vì sợ đi bộ một mình giữa đêm.
Mình phải học từ cái nhỏ nhất như cách đọc papers, cách viết, làm presentation, học lập trình, học xử lý dữ liệu, học cách làm thí nghiệm, cùng lúc học kiến thức mới cho dự án, các môn học mới, và rất nhiều kiến thức chuyên sâu khác. Mình nhớ có một kiến thức nhỏ của dự án, mình hỏi giáo, giáo đưa mình cuốn sách bảo đọc, khi đọc cuốn đó, mình lại không biết nhiều thứ trong đó, lại đi mò cuốn khác để giải thích điều đó, rồi cuối cùng end-up thì mình đọc hết cả một chồng sách dày, gần cả tuần vùi trong đọc sách, chỉ để hiểu một kiến thức mà giáo và các bạn cùng lab xem như là ngẫu nhiên phải biết tới. Note là các bạn cùng lab đều về lúc trước 6h tối rồi nhé, mỗi ngày tụi nó chỉ ở lab đúng có 8–10 tiếng thôi.
Tuy nhiên, dù học và làm chăm chỉ, mình vẫn luôn thấy mình thụt phía sau. Mình không theo kịp được với tiến độ của cả lab. Mình tham gia group meeting, và nghe mọi người thảo luận, đưa ra ideas, mổ xẻ các papers, mà mình chỉ biết ngồi nghe thụ động, thậm chí nhiều cái không hiểu nốt.
THE FALL
Tất nhiên nhiều bạn đọc tới đây sẽ bảo là ai khi mới vào học PhD thì cũng sẽ thế cả thôi. Nhưng với mình, sau một năm như thế, mình thấy bắt đầu nghi hoặc bản thân.
Mình đặt nhiều câu hỏi lắm, và tất nhiên dưới áp lực đó, mình bắt đầu xây dựng dần cái suy nghĩ là cái dự án này chắc không phù hợp với mình, cũng không hẳn là cái mình muốn trong tương lai dài nữa. Dự án làm về một vấn đề rất hàn lâm trong Vật Lý, cái mà mình chắc chắn không thể làm dự án ứng dụng sau này, và tất nhiên nhìn vào các sinh viên cũ của lab, thì 100% đều theo con đường academic cả, mình thấy đó sẽ là đầu ra của mình nếu như mình trụ lại được.
Rồi cùng lúc đó, mình chia tay bạn gái. Cũng không biết là do yêu xa, hay do áp lực và bỏ rơi cái mối quan hệ đó, nhưng chuyện đó cũng tác động tới tinh thần của mình. Có nhiều đêm mình từ lab đi về, trời mùa đông vùng Bắc Mỹ tuyết trắng xoá, cứ bay táp vào mặt. Mình ngửa mặt lên trời nhìn ánh đèn đường vàng vàng và dòng tuyết bay bay đó, và cứ đi vô định thế mãi mới về nhà.
Lần đầu tiên mình tâm sự với giáo là sau 1 năm từ ngày nhập học, như mình kể, giáo rất supportive, ông ngồi xuống và rồi plan cùng mình những thứ mình cần làm, thậm chí ông còn có cái list những cái mandatory tasks mà ông asking ở students, và bảo mình mỗi lần làm thế là cross out, cứ mỗi tuần gặp là ông sẽ kiểm tra.
Nhưng thực sự có lẽ cái ý định quitting nó đã growing trong mình rồi, sau cuộc gặp đó tầm 3 tháng nữa, thì mình bảo giáo là mình muốn nghỉ, và mình có nói chuyện với research manager của khoa, và ông ấy suggested về việc chuyển cái mình làm sang thành một cái master thesis.
Từ cuộc nói chuyện đó, giáo đồng ý, và vẫn support mình, nhưng thái độ thì thay đổi, nó không còn personal thân mật như trước, và nó chuyển sang thành giống như một sinh viên chung chung trong trường mà làm việc với giáo vậy.
Tất nhiên mình vẫn rất nỗ lực, vì sau tiếp 3 tháng, mình hoàn thành xong cái master thesis, cũng cùng lúc viết được 1 cái draft paper, và mình tốt nghiệp chương trình thạc sĩ khá sớm, chỉ sau 1 năm rưỡi từ khi mình vào học.
AFTER THE FALL
Từ trước khi kết thúc chương trình thạc sĩ, mình đã nghĩ mình sẽ xin học ở trường khác. Ngay sau khi nộp thesis xong, mình tập trung liên hệ để tìm cơ hội tiếp theo. Tất nhiên hồi đó mình còn đang ở Mỹ, nên mình chỉ tìm các trường trong nước Mỹ thôi, và như mình kể, dù mình xong hết rồi, nhưng mình submit đề án sớm, nên cái bằng và lễ tốt nghiệp của mình phải hơn 6 tháng sau mới diễn ra, vì thế nên visa của mình vẫn ở lại Mỹ thoải mái at least trong khoảng 6–8 tháng tiếp theo đó. Khoảng 5 tháng tiếp theo đó của mình là quá trình apply lại, và đáng tiếc là mình thất bại hết toàn bộ. Do một số sai lầm mà mình có thể kể dưới đây.
1. Mình quá thật thà.
Mình viết thư và kể hết mọi thứ mình trải qua, mong rằng giáo mới sẽ thông cảm (vì mình đọc đâu đó nghe bảo hơn 1 nửa sinh viên bỏ giữa chừng chương trình PhD, nên chắc giáo sẽ hiểu). Nhưng không, việc làm đó của mình chỉ đặt một dấu chấm hỏi lớn cho giáo thôi.
2. Mình sử dụng thư giới thiệu từ chính giáo cũ (mình thấy đây là cái sai lớn nhất của mình).
Các giáo đều luôn đặt câu hỏi rất to đùng về việc tại sao bạn lại nghỉ giữa chừng, cho dù không phải là mẫu thuẫn do giáo do lab, có thể chỉ là vấn đề sức khỏe, nhưng mà cuối cùng nữa thì trong mắt giáo, họ vẫn thấy bạn là cái risk rất lớn. Nếu nhận bạn vào cho một chương trình 5 năm, với đầy đủ kế hoạch của họ rồi, sau 2 năm nữa bạn lại bỏ thì sao?
Ở VN hay có câu “Đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, nó cũng không đúng với Mỹ luôn. Giáo cũ ở Mỹ họ sẽ viết trong thư giới thiệu tất cả những gì đã xảy ra (họ vẫn rất nice, dùng từ vẫn khen mình, nhưng cái sự thật là mình đang học dở thì bỏ thì họ sẽ không bịa ra viết khác được), trừ khi bạn có cách nào đó để deal với giáo là ko mention việc đó vào. Như mình thì sau khi thử nghiệm một vài cases, mình đã quyết định không dùng tới thư giới thiệu của giáo cũ nữa (mặc dù đó sẽ là một điểm yếu rất lớn trong hồ sơ của mình, vì thư giới thiệu là tờ giấy rất quyền lực trong bộ hồ sơ ở Mỹ).
Đặc biệt khi mình applied tới MIT, mình còn biết tới giáo, đã gặp nhau ở seminar và đã talked trực tiếp face to face, mình cũng rất tốt trong viết thư và align kinh nghiệm của mình với giáo, và giáo rất thích, và còn mời mình qua thăm lab. Mình còn nhớ khi mình bay qua đó, giáo còn cho mình ở nhà giáo ngủ một đêm, lúc qua thì dẫn mình vô lab, vô office, giống như là đã sinh viên mới rồi. Khi mình bay quay trở lại trường cũ, mình còn dành nguyên một đêm partying với bạn cùng phòng, vì nghĩ chắc chắn được nhận rồi.
Cho đến khi sau mình submit toàn bộ hồ sơ, và sau tầm 1 tháng giáo gửi thư lại, bảo luôn là giáo vừa đọc thư của giáo cũ của mình, và ông gọi điện cho giáo cũ và đã nói chuyện gần 1 tiếng. Ông bảo là mặc dù hồ sơ mình rất tốt, nhưng mà ông có một số concerns (ông không nói rõ concerns gì), rồi sau ông không nhận mình nữa, cũng có một vài email qua lại, nhưng lời lẽ sau đó của ông rất khéo và professionally để từ chối.
Sau vụ đó, mình quyết định luôn, không sử dụng thư của giáo cũ nữa, dù là xin việc, hay xin học tiếp.
3. Mình quá tham vọng (hoặc là do mình tự tôn quá cao, hoặc do mình stupid, mình cũng không biết cái nào nữa).
Nhưng nhìn chung là vì mình đã học top 10 rồi, nên mình chỉ aim đúng vào các trường tương đương hoặc xếp hạng cao hơn. Mình cảm thấy đã ngã xuống một chỗ nào đó, thì khi đứng dậy lại, mình cần phải leo lên chỗ khác cao hơn. Sau này rồi mình mới nhận ra cái strategy này của mình là sai, và limited bản thân mình vào một cái pool rất nhỏ trong thế giới nghiên cứu.
4. Mình vẫn (bằng một cách nào đó rất ngu ngốc) thì tiếp tục tìm tới các giáo và dự án tương tự như cái mình vừa bỏ.
Dù rằng là mình đã bảo bản thân là mình không thích đề tài đó nữa, nhưng có một ma lực gì đó bảo mình rằng mình vẫn nên theo đuổi nó. Nói thiệt tới hôm nay viết lại thì mình cũng không biết tại sao hồi đó làm vậy.
5. Mình giấu chuyện mình bỏ học.
Mình không để ai biết là mình đã quit cả, từ gia đình cho tới bạn bè. Chỉ một số rất nhỏ như bạn người Việt ở cùng nhà mình, hoặc một số anh chị em người Việt ở trường, biết tới. Sau này mình nhận ra là khi làm như thế đẩy mình vào thế bị cô độc, không nhận được sự giúp đỡ từ mọi người. Đặc biệt hơn nữa, vì mình muốn giấu, nên mình dù học xong và đã cắt học bổng rồi, nhưng vẫn ở lại nước Mỹ gần nửa năm. Sau này vào viện làm rồi thì mới đỡ hơn, nhưng lúc đầu thì sự giấu giếm này này tạo nên một áp lực rất lớn về tài chính cho bản thân mình lúc đó, không có support từ gia đình hay bạn bè gì cả, không được đi làm legally, nhưng tiền sống, tiền nhà, và mọi thứ khác vẫn bay vèo vèo.
Mùa admission năm đó, mình thất bại toàn tập.
QUIT THE PHD DREAM?
Sau mùa apply lại thất bại đó, mình quyết định xin việc đi làm. May mắn là mình vẫn xin được vào làm nghiên cứu ở một viện trực thuộc một trường đại học (cái này thì hồi đó là do mình có một số quan hệ từ trước mà mình không tiện kể ở đây). Nhưng vì vào viện làm, dù task của mình khá general, mình vẫn phần nào được tiếp cận với môi trường nghiên cứu. Mình làm ở Viện đó tầm 7 tháng, và thoáng cái cũng đã đến một mùa admission tiếp theo.
Cơ duyên thế nào, mình có tham gia học một cái workshop ngắn, do trường đó mời một giáo sư ở ETH Zurich về dạy. Mình học vì, nghe nó stupid, nhưng vì đó là cái kiến thức mà hồi ở trường cũ mình lăn lộn học hàng chục cuốn sách đó, chính là cái môn mà giáo này sẽ dạy, và mình nghĩ mình có thể follow khóa học được. Và không ngờ, do mình học nhiều từ trước rồi, mình lại nổi bật nhất cái lớp đó, sau 2 tuần học thì mình đã khá thân với giáo, và trong một lần đi uống bia với giáo sau giờ học, mình kể về việc ngày xưa mình cũng từng theo đuổi cái môn này ra sao, và còn nhiều câu hỏi bỏ dở. Cũng rất bâng khua, giáo bảo mình, hay qua Thụy Sĩ làm PhD với ông ấy.
Đó là cái moment mà mình nghĩ là mình lại APPLY LẠI (lần 2) cho chương trình PhD. Nói chung thực sự với mình, thì cái việc mình đã bắt đầu cái gì đó, và bỏ giữa chừng, luôn làm mình phải suy nghĩ rất nhiều.
Sau đó tầm 3 ngày, mình nói với giáo về cuộc nói chuyện hôm nọ, và ý tưởng sang Thụy Sĩ học với ổng. Ông bảo để ông tìm cách. Và đúng là ngày hôm sau ông đã liên hệ lại, ông nói là khác với ở Mỹ, thì cái chuyện học PhD ở bên đó nó giống như là đi làm hơn là đi học, nên phải có khá nhiều steps mình phải đi qua để được nhận. Giáo nói với mình là cách tốt nhất bây giờ là ông ấy sẽ nhận mình dưới dạng assistant của ông ấy, sang làm tầm nửa năm (vẫn được trả lương gần bằng với học PhD), nhưng không phải là sinh viên chính thức. Rồi nửa năm sau, ông ấy tin chắc rằng dự án của ông ấy sẽ có funding (ông hồi đó đang xin một gói tới 5 triệu Euro), thì khi đó mình sẽ vào làm PhD.
Tất nhiên cái offer đó rất là tốt, nhưng nó cũng có cái risk nhất định, và mình phải ngồi suy nghĩ, giáo cho mình thoải mái take thời gian để suy nghĩ (humm, có lẽ vì ông chưa có tiền và chưa có dự án liền ngay lúc đó để cần mình quyết định sớm).
Và cái offer đó cũng set course cho quá trình apply lại của mình, và đó cũng là cái thời điểm mà mình nhận ra rằng, thế giới nghiên cứu nó không phải chỉ mỗi trong nước Mỹ! (Cái này cực kì quan trọng, vì nó thay đổi thế giới quan và góc nhìn của mình rất nhiều). Không còn “American First” như khá nhiều bạn trong nhóm này đang ở Mỹ mà mình biết vẫn giữ tâm niệm đó.
Mình không bỏ giấc mơ PhD!
RE-APPLYING!!!
Về thư giới thiệu:
Như mình kể ở trên, mình đã quyết định không dùng thư giới thiệu của giáo cũ nữa, và việc đó tạo ra một điểm yếu lớn trong hồ sơ của mình. Vì thế trước đó, dù không nghĩ sẽ apply tiếp, nhưng mình vẫn luôn nghĩ về việc mình cần một thư giới thiệu tốt. Trong quá trình sau đó, mình đã làm song song hai việc. Đầu tiên là với trường cũ, mình biết là mình có quan hệ tốt với trưởng khoa, một phần tại tính mình cởi mở nên hồi đó không hiểu sao hay chạy vào office của ông ấy nói chuyện (cũng làm cùng ngành của mình luôn), rồi mình tìm cách dùng quan hệ của mình ở VN, để xây ý tưởng với ông ấy một dự án hợp tác với VN. Mình đã thành công khi kết nối ông ấy với một Bộ ở VN và triển khai một dự nhỏ cùng nhau. Ông này sẽ là thư giới thiệu đầu tiên của mình (đủ lớn, đủ hiểu mình, có lịch sử với nhau, cùng ngành, và cũng từ trường cũ).
Tiếp theo thì trong thời gian làm ở Viện, mình cũng aim một bác giáo sư mà mình mình xin thư. Mình tiếp cận bác ấy nhiều, lúc đầu là hỏi bài, thắc mắc, tỏ ra tò mò về cái bác ấy làm, sau này là trực tiếp giúp bác ấy trong một số task luôn, như set up thí nghiệm, làm sạch dữ liệu, những task mà không cần quá sáng tạo và kiến thức sâu, nhưng lại rất cần sự cần mẫn, và mất nhiều thời gian. Mình hồi đó nghĩ, nếu như phải ngồi đến 2h 3h sáng để làm cái task này, dù không được vào paper thì cũng có quan hệ tốt. Và đúng là như vậy, đây là người thứ 2 đồng ý viết thư cho mình.
Người thứ 3 là giáo của mình hồi học đại học. Tránh để mọi thứ bẵng đi và giáo quên mất, trong khoảng gần cả năm đó, lâu lâu mình vẫn viết thư hỏi thăm, và update tình hình của mình, đôi khi chỉ là mấy thứ vụn vặt trong cuộc sống ở Mỹ.
Về đề tài:
Sau thời gian làm ở viện kia, mình cũng thấy được một thế giới của applied research trong ngành của mình. Tức là vẫn dùng được cái background mình đã học ở trường cũ, nhưng sẽ làm các dự án không còn quá hàn lâm. Mình cũng xác định được thế mạnh của mình là toán, mô hình mô phỏng, và không phải là làm thí nghiệm. Nhờ đó mà mình chọn đề tài phù hợp hơn.
Về các loại giấy tờ khác (bài luận, CV):
Mình không bỏ cái trường cũ ra, mình vẫn nói mình học master ở đó, nhưng mình không hề nhắc tới chuyện mình đã quit nó (100% là không hề nhắc tới luôn). Thay vào đó, ở trong bài luận, mình tập trung vào việc mình đã học được kiến thức gì, skills gì trong khoảng hơn 2 năm rưỡi ở Mỹ đó. Mình cũng khoe về việc mình được vào trường đó, lab và giáo giỏi và mình học được nhiều ra sao, mình đã nhận học bổng cao như thế nào. Nhìn chung khi giáo nào đọc hồ sơ của mình về khoảng thời gian đó, thì chỉ thấy mình là một đứa giỏi, học được nhiều thứ, học xong thạc sĩ, và giờ đi học tiếp tiến sĩ.
Một số giấy tờ râu ria:
Ví dụ vì mình đã tốt nghiệp từ Mỹ, nên generally là mình không cần thi tiếng anh. Tuy nhiên, mình vẫn ôn và thi lại IELTS và được 8.5, và mình có mentioned cái đó trong CV một câu về trình độ tiếng anh của mình thoải mái để có thể theo học bất cứ chương trình nào.
Về trường:
Mình quyết định expand ra các nước châu Âu, và Úc. Sau này mình đã apply tới 8 trường (Imperial College London, University of Cambridge (UK), Uni Melb và Uni Sydney (Úc), ETH Zurich, EPFL Lausanne (Thụy Sĩ), TU Munich (Đức), TU Delft (Hà Lan)).
Bonus strategy:
Mình sử dụng luôn cả cái email của giáo bên Thụy Sĩ nói về việc nhận mình như một cái selling point, và cũng dùng nó để giục các giáo các trường khác trả lời mình sớm.
SUCCESS!
Cuối cùng mình vẫn thành công khi applied lại 8 trường và được nhận full ride cho 7 trường, và cũng chọn được giáo rất phù hợp, dự án phù hợp, cũng rât thrive trong chương trình học và tốt nghiệp kết quả rất tốt.
Nhân đây, mình muốn cảm ơn 2 anh chị người Việt (cả hai giờ đều đã thành danh ở Mỹ), vì không chỉ giúp đỡ về tinh thần, mà hồi đó đã cho mình mượn tiền để đi học. Hồi đó bao tiền là nướng hết vào chuyện apply, thi cử rồi. Đã thế còn về VN thăm nhà và cũng chi tiêu kha khá. Khi mình bay đi, thì gần như là trắng tay, và phải mượn tiền của bạn bè để ổn định lúc mới sang. Có một chị còn cho mình mượn tiền mãi tới cả năm sau mình mới trả lại được. (Không hiểu sao cũng muốn kể ở đây luôn, nhưng việc delay trả tiền hồi đó làm mình rất khó xử, và cho đến hiện tại, đó là lần cuối cùng trong đời mình mượn tiền ai đó) — cũng là một bài học mà mình tự rút ra được.
CÓ LÃNG PHÍ KHÔNG? Hơn 2 năm lang thang (1.5 rưỡi học ở trường cũ, và 8 tháng đi làm ở Viện).
Câu trả lời là không, ngược lại, nó giúp mình cực kì nhiều trong quá trình học PhD của mình. Ngoài kiến thức là cái giúp mình cực nhiều, thì kỹ năng mình học được ở Mỹ cũng là cái đệm cho mình bật cao ở trong chương trình PhD. Mình biết cách tìm, đọc, tổng hợp tài liệu, mình biết cách tự tìm câu trả lời, biết cách đặt câu hỏi, mình biết được cách viết papers, mình biết được cách trình bày, kỹ năng lập trình, kỹ năng phân tích dữ liệu của mình cũng tăng lên rất nhiều, và mình cũng biết cách quan hệ tốt hơn với giáo và labmates. Có khá nhiều thứ thực sự nếu không có 2 năm kia, có khi nào mình lại bị khủng hoảng tiếp cũng nên.
KẾT LUẬN:
Mình tốt nghiệp PhD từ trường top, với một list các bài báo top, có một số bài được chọn editor’s pick hay featured articles, và nhiều giải thưởng (awards) lớn nhỏ. Ngoài cái main fellowship, trong quá trình học mình cũng được kha khá top-up scholarships. Mình còn làm đủ các loại chức vụ trong ban hội sinh viên sau đại học và xây dựng được khá nhiều mối quan hệ râu ria. Đặc biệt mình được dạy học rất nhiều, từ làm Teaching Assistant (Tutor) lúc mới vào, cho tới năm cuối còn được có lớp học/môn riêng của bản thân để làm lecturer. Thesis của mình cũng được nhận giải thưởng xuất sắc. Năm mình tốt nghiệp, mình còn nominated thầy mình là best supervisor of the year và ông được nhận cái đó nốt. Thực sự thì trước kia mình đã thất bại, không chỉ một mà còn nhiều lần, rồi apply đi, apply lại, vẫn thất bại, có những lúc nghĩ là bỏ cuộc, nhưng rồi chắc nhờ một xíu may mắn, và cái ngọn lửa vẫn mãi chưa tắt trong mình với nghiên cứu, mà mình theo đuổi được nó tới cùng.
Dù sao thì chuyện cũng đã qua rất lâu. Mình giờ lại đổi ngôi, làm supervisor hướng dẫn tụi sinh viên, NCS. Nhìn tụi nó, đôi lúc mình vẫn nghĩ về những chuyện ngày xưa. Mình lúc xong chương trình tiến sĩ, có gửi thư để cảm ơn các giáo cũ, kể cả giáo hướng dẫn, và ông trưởng khoa mà mình có kể là xin thư giới thiệu đó. Dù bác trưởng khoa vẫn nhiệt tình chúc mừng, nhưng giáo cũ, đáng tiếc là không trả lời lại thư của mình. Có lẽ ông vẫn có một khoảng cách nào đó với mình. Tuy rằng sau này mình vẫn thấy là ông thầm lặng updates thông tin của mình trong website của ông ấy, thay đổi tên mình thành có chữ Dr phía trước, và update nơi công tác mới của mình. Dù ông không trả lời, mình vẫn thực lòng biết ơn ông, biết ơn năm tháng đó, biết ơn những cú tát đau rát vào mặt của những trận gió tuyết vùng hẻo lánh Bắc Mỹ đó, và biết ơn cú ngã đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều.