Nghề giáo

Luis Nguyen
9 min readNov 15, 2023

--

November 15th, 2023.

Mình tự hỏi bản thân, mình có phải là thầy giáo không. Mình có làm nghề dạy học không, thì chắc là có. Mình dạy sinh viên ở trường đại học, từ vị trí trợ giảng khoảng 8 năm trước, cho tới vị trí giảng viên đứng ở giảng đường hàng trăm sinh viên những năm gần đây. Mình hiện tại cũng hướng dẫn sinh viên đại học cho đề tài tốt nghiệp, thạc sĩ, và các bạn làm đề tài tiến sĩ cùng mình. Không chỉ tụi “lớn” như sinh viên, mình dạy học sinh nữa, dạy thêm học sinh phổ thông từ 16–18 tuổi Vật Lý và Toán. Nếu nói định nghĩa hiện đại ngày nay, thì chắc mình sẽ được xếp vào nghề giáo. Nhưng nếu như ngày 20/11 sắp tới, mà ai đó chúc mừng mình nhân ngày nhà giáo, không hiểu sao mình sẽ có phần nào đó ngượng ngùng, cảm giác rằng bản thân không xứng đáng với điều đó.

Từ văn hoá Nho — Khổng rằng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cho tới sự ảnh hưởng của giáo dục đại chúng, như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói rằng đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, hay là nghề “vinh quang”, mặc dù mình không thích dùng những từ này lắm khi miêu tả một nghề đâu, nó là một phần của hội chứng Mặc cảm thấp kém — Inferiority and Superiority complex, nhưng cũng từ đó mà có cả những Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy trong văn hoá phong tục của Việt Nam. Có lẽ mà vì thế, những gì gắn liền với người thầy cô trong mình nó trở nên thiêng liêng, hay nói cách khác, mình chưa hề xứng đáng với những “tri ân” mà xã hội dành cho nghề giáo.

Một phần thì có thể là do sự thay đổi của xã hội. Thầy giáo ngày xưa với mình cũng rất khác, đó là “Muốn sang thì bắc câu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Thầy cô ngày đó là nguồn kiến thức gần như là duy nhất với học sinh. Từ Châu Âu, Thầy Coatti trong “Những tấm lòng cao cả” là người dạy chữ, là người truyền đạt những câu truyện đọc về cách sống, về nghĩa cử đạo đức để cậu bé Enrico đưa vào nhật ký của cậu. Mọi điều nhỏ nhặt nhất đấy đều do thầy truyền đạt. Hay gần đây hơn, sang Châu Á, trong “Chiến binh cầu vồng”, thầy Harfan và cô giáo Mus là người không chỉ dạy, mà còn tham gia cuộc chiến với cả học trò của mình để bảo vệ lấy ngôi trường Muhammadiyah để chống lại các thế lực chính trị và đồng tiền ở trên đảo Belitong, Mã Lai. Thầy cô không chỉ dạy chữ, họ còn mong học trò được đi học, được mặc ấm, được hạnh phúc, và được thực hiện ước mơ. Rồi qua tới xã hộ tư bản của Mỹ, trong “Người thầy” thì Frank McCourt đã dùng hết toàn bộ lòng khoan dung và sự kiên nhẫn của mình để thức tỉnh ước mơ và tâm hồn của những thiếu niên nổi loạn và lãnh cảm. Về tới Việt Nam, nhà văn Hoàng Đạo Thuý còn viết trong “Nghề thầy” rằng “đem lũ trẻ của người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Chao ôi, đó là người thầy cô xưa trong mắt mình đó. Là những con người vĩ đại.

Giờ đây học trò tiếp cận kiến thức từ đủ mọi ngả đường. Học không từ trong nhà và nhà trường nữa, còn là trên mạng, mạng xã hội. Lớp học (nhất là sau đại dịch), không còn là thầy đứng ở bục giảng nữa, mà là những video online, những lớp học xa xôi trên mạng từ khắp thế giới. Cách học cũng khác nhiều, không chỉ được trợ giúp bởi các công cụ tìm kiếm, học sinh bây giờ còn có thể trò chuyện trực tiếp với máy tính, trí tuệ nhân tạo, mà ở đó máy tính sẽ dần phân tích dữ liệu mà càng ngày sẽ càng hiểu học trò hơn, sẽ biết cách dạy đứa trẻ từng bước một để giải quyết một bài toán, hay là phân tích một sự kiện lịch sử. Tất nhiên ở bất cứ xã hội nào, hay trong điều kiện nào, thì mọi đứa trẻ lớn lên đều là sự tổng hoà của mọi thứ nó học được xung quanh nó. Ngay trong ngôi làng Saga ở Hiroshima, Nhật Bản, ở trong cuốn “Người bà tài giỏi vùng Saga”, đó là nơi mà bom nguyên tử đã dội xuống và khiến cuộc sống trở nên đổ nát hơn bao giờ hết, và đó là nơi cậu bé Tokunaga Akihiro đã bị mẹ bỏ rơi, và phải bắt đầu cuộc sống với người bà già cả của mình, ở đó cậu buộc phải học từ khắp mọi nguồn, từ những bài học về giá trị đồng tiền trong những ngày lao động cùng bà mình, cho tới khả năng vượt qua thất bại, hay học được giá trị của chữ “yêu” và “thương” từ bà và những người trong làng. Akihiro học từ bà và từ tất cả mọi thứ xung quanh cậu, tất cả mọi người đều trở thành “người thầy” trong đời cậu. Nhưng liệu cái đó có khác với người thầy là công cụ “ChatGPT” như học trò được tiếp cận ngày nay?

Một phần nữa lý do tại sao mình cảm nhận như trên về nghề giáo thì tới từ bản thân mình. Mình mang danh là giảng viên, nhưng mình thấy bản thân là người đồng hành, hướng dẫn, hơn là một người thầy. Là ai đó đã học trước, có kinh nghiệm hơn, và giờ giúp sinh viên mình với đề tài của tụi nó. Mình dùng từ phục vụ cho công việc này, thấy nó phù hợp hơn. Vì nó thực sự là phục vụ, khi sinh viên trả tiền cho nhà trường, và trường trả lương cho mình. Hay là khi mình xin được tiền cho dự án, và thuê lại sinh viên với giá rẻ (dưới tên gọi là “nghiên cứu sinh”) để làm việc cho mình. Rồi tới việc mình dạy cho mấy đứa nhỏ cấp 3 cũng vậy, mình được phụ huynh thuê để luyện cho con họ có thể vượt qua được kì thi này, để có thể đạt được điểm số kia. Đừng nhầm là mình làm việc chỉ vì tiền (tất nhiên học với mình không rẻ đâu nha haha), vì mình rất thích dạy học lắm. Mình thích được nói, được giảng giải kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, và thích được thấy học sinh mình, nhỏ thì là há hốc miệng vì tò mò với kiến thức, lớn hơn là giúp tụi nó đạt được nguyện vọng (dù chỉ là điểm số hay thi cử) của tụi nó. Dạy học cũng là được học sâu hơn nữa. Những gì mình gom được vào trong đầu, những nghiên cứu mà mình có, nó được thử thách qua lăng kính mới hơn của tụi học trò. Nếu tụi nó hiểu bài, tức là mình cũng hiểu bài sâu hơn.

Nhưng mà có lẽ tại vì thấy bản thân thực sự không phải “hi sinh” gì cả, cũng không phải là gì đó “cao cả” hay “vĩ đại” gì cả, chỉ là một nghề dịch vụ thôi, cho, và nhận, như bao nghề khác. Nên có lẽ vì thế mà mình thấy bản thân mình không phải là một “thầy giáo”, và càng không xứng với những tri ân mà cái ngày 20/11 dành cho bản thân.

Hoặc có thể mình đang suy nghĩ quá nhiều? Mình nhớ trong cuốn “Tạm biệt thầy Chips”, kể về thầy Chips, một giáo viên dạy tiếng La Tinh trong ngôi trường Brookfield ở Anh Quốc cổ kính, nơi mà các giá trị cổ xưa truyền thống và lỗi thời được tôn vinh, thì thầy Chips, sau 60 năm làm việc, trở thành biểu tượng của trường. Tuy nhiên, thầy chọn cho bản thân lại không theo xu hướng “cổ xưa” cổ hũ đó, thầy muốn gần gũi với học trò, vẫn mẫu mực, nhưng không xa lạ. Thầy nghĩ rằng, ở xã hội nào hay thế hệ nào, người thầy, cái cần nhất là sự giản dị, không cần thiết phải nghĩ tới những sự “vĩ đại”, “hi sinh” mà rồi cần phải được “hiến chương” kia, không cần gò bó là phải ảnh hưởng tới học trò to lớn như thế nào, mà chỉ cần là người cố gắng hết sức với nghề, với bổn phận của mình. Phải biết kiên định với những gì mình tinh tưởng, nhưng cũng sẵn sàng mở của để phù hợp với biến chuyển của xã hội. Có lẽ, văn hoá và xã hội khiến mình đang quá đặt nặng giá trị của “nghề giáo”, và vì đó tự thấy bản thân không phù hợp được gọi là “thầy”? Có lẽ, mình cũng nên biết cách “giản dị” như thầy Chips.

Mình nhớ trong cuốn “Những ngày thứ Ba với thầy Morrie”, khi mà một nhà giáo già, thầy Morrie Schwartz, bị mắc chứng bệnh teo cơ thần kinh, khiến cơ thể chết dần mòn. Người học trò Mitch Albom (cũng là tác giả sách) tới thăm, và sau đó cứ mỗi tuần, tới 14 ngày thứ 3 cuối cùng trong cuộc đời thầy, Mitch cứ tới, đã được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ chân thật nhất của thầy về cuộc đời, về thế giới, về cái chết, về gia đình, cảm xúc, v. v. Mitch có tới 14 buổi học, nhưng thầy Morrie cũng có tới 14 buổi được thả hết lòng mình. Ở đó, thầy Morrie từng bảo rằng, “10 phút mỗi ngày, thầy cho phép mình khóc đã đời. Nhưng sau đó thầy lại tập trung vào tất cả những gì đẹp đẽ còn lại trong cuộc đời mình”. Đúng rồi, thầy cũng là con người, những con người cũng bình thường như học trò thôi, cũng khóc, cũng cảm xúc, và cũng chống chọi với cuộc đời, với bệnh tật. Thầy không phải là thánh nhân vĩ đại, thầy cũng không cần xã hội tôn vinh, tri ân, lại càng không cần lắp thêm chữ “vinh quang” hay “vĩ đại” đằng sau cái nghề của mình. Thầy chỉ muốn cuối đời, có học trò nhớ về và trò chuyện với mình như Mitch đã làm thôi.

Một vài phút lan man ngẫm về cuộc sống, về cái nghề mà mình đang chọn. Giờ mình sẽ dừng viết ở đây, vì chút xíu nữa, mình lại mở máy tính, mở Zoom, và vào lớp để dạy Vật Lý cho một cậu nhóc ở tít tận bên UK (ngược múi giờ nên nửa đêm mới lọ mọ đi dạy thế đó). Ở đó, cậu ta sẽ vừa học với mình, nhưng lâu lâu khi làm bài tập, sẽ quay lại hỏi Siri, chẳng hạn như là “Hey Siri, làm sao để đổi 1 năm ánh sáng ra đơn vị mét”, và mình thay vì nổi nóng lên bảo rằng, phải tự biết học cách để quy đổi chứ, thì nên chấp nhận rằng xã hội giờ đang thay đổi, công nghệ thay đổi, và những đứa trẻ này sắp tới ra ngoài cuộc đời, nó phải đối mặt không chỉ với bạn bè nó, mà cả những công nghệ kia nữa. Mình phải biết cách thay đổi hướng tiếp cận, để cu cậu vẫn thoải mái dùng công nghệ, thậm chí AI, nhưng vẫn hiểu được cốt lõi quy luật Vật lý của bài toán. Mình phải như thầy Chips, giản dị, mẫu mực, biết kiên định, nhưng vẫn luôn sẵn sàng thay đổi.

Và mình không cần ai tri ân cả!

Chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam, 20/11. Chúc các thầy cô giữ sức khoẻ để vững tay chèo, mà tiếp tục con đường cung cấp “dịch vụ giáo dục” cho các học trò thân yêu.

Thầy Chu Văn An dạy học trò, hiện treo tại đình Nội, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

--

--

Luis Nguyen
Luis Nguyen

Written by Luis Nguyen

0 Followers

Hey Duy, don’t make it bad. Take a sad song and make it better.

No responses yet