Về Hà Nội

Luis Nguyen
7 min readJan 10, 2024

--

Dec 27th 2023.

Thủ đô của nước Úc nơi mình làm việc có tên là Canberra, từ được phiên âm từ ngôn ngữ của người thổ dân Ngunnawal, những người đã sống ở đó tới hơn 21 nghìn năm, có nghĩa là “địa điểm của những cuộc gặp gỡ”.

Tuy nhiên, với mình, thì Hà Nội mới có nghĩa là “Canberra”. Ở Hà Nội chưa tới 1 tuần, tuy nhiên may mắn thay, mình được gặp với rất nhiều con người rất tuyệt vời, từ các thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè, những người đã quen từ rất lâu, cũng có những người mới gặp lần đầu tiên, nhưng cảm giác có được là, ai cũng dạy mình một cái gì đó rất ý nghĩa, và mấy ngày qua, mình học được quá nhiều điều.

Đó là các buổi thảo luận ở Đại Học Thuỷ Lợi. Với mình ĐHTL là cái duyên chưa bao giờ dứt. Về Hà Nội, không biết đi đâu, lại tới trường. Cần ai đó để nói chuyện, cũng chạy tới trường. Cái kì lạ là, không chỉ cổng trường luôn mở rộng vòng tay, các thầy cô dù rất bận cũng vẫn luôn sắp xếp thời gian để mình đỡ “cô đơn” hơn giữa lòng Hà Nội. Không chỉ là ban giám hiệu và các thầy cô, còn là các anh chị em, chị D, anh H, anh Tr, từng một thời đi Nga cùng, từng nâng đỡ dìu dắt mình bên xứ Bạch Dương, về tới tận bây giờ vẫn xem mình như em út trong nhà. Là thầy Hiệu Phó dù bận kín lịch, giữa giờ nghỉ trưa, nhưng khi mình gọi, vẫn cho phép mình chạy qua “làm phiền” thầy cả tiếng để bàn về các dự án mà mình chỉ biết há hốc mồm ngồi nghe.

Đó là cuộc nói chuyện ở Viện Khoa Học Thuỷ Lợi Việt Nam, nơi có chú Giám đốc là người đầu tiên khuyên bố mẹ mình rằng “nếu xây được dưới nước, chắc chắn sẽ xây được trên cạn, nên anh chị cho cháu nó theo ngành công trình thuỷ lợi đi”. Mới đó, thấm thoắt mà đã gần hai chục mùa noel đã trôi qua, cứ lần nào về Việt Nam, mình chắc chắn phải chạy đến chào chú. Lần này, may mắn thay lại được chú giao cho nhiệm vụ quan trọng hơn, trình bày và nói chuyện với các anh, chị, em trong viện. Chú thì vẫn luôn dạy dỗ khuyên răn mình từ xưa tới giờ, nhưng chắc theo lẽ tự nhiên, mình lớn lên, và từ đứa học trò, nay lại hy vọng được làm đồng nghiệp với chú.

Đó là buổi làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, làm việc với tham tán về Vietnam strategic partnership ở ĐSQ Úc, với đại diện Bộ Ngoại Giao Úc (DFAT), và với Đại học Mỏ Địa Chất. Cậu nhóc lại là đại diện của Viện CSIRO, cùng thảo luận về các dự án hiện tại, những hợp tác tương lai. Mình còn nhớ lúc mình trình bày và thảo luận tới hơn 2 tiếng rưỡi xong, có một phút mà cảm giác tiếng Anh và tiếng Việt như bay bay lộn tùng xèo trong não, cho đến khi mọi người gọi lên chụp ảnh, mới định thần quay trở lại.

Đó là buổi gặp gỡ với anh chị em trong Cafe Sách Robooksta, để thảo luận về tuyệt phẩm “Anh em nhà Karramazov và văn học cổ điển Nga”. Chỉ gặp thoáng qua, nhưng quá nhiều thứ đọng lại. Sao lại có một nhóm người đọc nhiều, hiểu nhiều, mà vẫn khiêm tốn và dễ thương thế nhỉ. Chỉ một xíu gặp gỡ nói chuyện, mà cả cái khoảng trời nước Nga lại quay về rõ mồn một trong mình.

Đó là gặp hội bạn bè đi Nga cùng nhau, một khoá ngày đó sang Saint Petersburg, giờ ai cũng có cuộc sống riêng, có nơi ở riêng, gia đình riêng, có những cậu nhóc cô nhóc F1 lại tiếp nối nghe những câu chuyện xứ Bạch Dương xa xôi.

Gặp các em VISUS của đại học Sydney (Y và T). Cả hai đứa vẫn không thay đổi nhiều. Y vẫn thẳng tính, dễ nói chuyện, và luôn khiến người đối diện không bao giờ phải đề phòng. T vẫn trầm, dễ thương và có gì đó mộc mạc chân thành khi tiếp xúc.

Gặp em Q, nhận ra sau chừng đó năm, em trưởng thành hơn, thay đổi nhiều lắm rồi. Dịu dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, không còn ương bướng như gần chục năm trước nữa. Vẫn nói rằng “em còn trẻ lắm, chưa muốn lấy chồng đâu”, nhưng nghe đâu mình lại sắp được nhận thiệp mời rồi đó.

Gặp em VL và bạn nhà báo MC. Cả hai đều bận rộn, có những dự án riêng, chức vụ mới, vị trí công việc quan trọng hơn. Ngồi được với nhau có chút xíu, mà hai bạn phải huỷ hàng tá các cuộc hẹn khác nhau. Giữa cái vòng xoay bận rộn đó, sao thấy may mắn khi vẫn được ngồi đối diện với VL và MC để chém gió về đủ thứ chuyện.

Gặp chị H, là người mình biết nhiều, theo dõi nhiều trên mạng, nhưng giờ mới được nói chuyện lần đầu. Chị nhiều năng lượng, mỗi câu chuyện nói đều là một mối quan tâm lớn của chị với công việc hay xã hội, nhưng sao mình ngồi nghe cứ cảm giác như đang được ai đó đọc truyện cho nghe vậy. Nói chuyện có xíu, mà mình mở ra được bao nhiêu điều mới lạ về ngành y và các nghiên cứu không truyền thống trong ngành này.

Gặp vợ chồng chị TA. Chà, ấn tượng đầu tiên là sao anh T chồng chị đẹp trai đến thế, cứ như diễn viên Hàn thiếu gia tài phiệt đời thứ 2 ấy. Ngồi với chị có chút xíu mà bao nhiêu dự định về giáo dục được thảo luận. Cái mình thích nhất là chị cứ chia sẻ cho mình toàn những thứ như trong tâm can vậy, mà không hề giữ lại cho riêng bản thân. Cứ cảm giác nếu ai đó là học trò của chị, chắc sẽ sướng lắm đó. Hai chị em mà cho ngồi cả buổi, chắc còn vẫn chưa hết chuyện mà nói.

Gặp bạn T, từng ăn chung ngủ chung học chung một lớp bao năm đại học. Bạn vẫn vậy, dẫn mình đi tham quan Hà Nội, còn mua vé vào thăm cụ Rùa trong đền Ngọc Sơn, rồi nói cho mình nghe một loạt kiến thức về cái đền đó. Bạn nói về công việc, gia đình, con cái, về dự định tương lai, về cả những được, mất, những chuyến đi. T bảo rằng, giờ đi giữa đường phố với bao chiếc xe sang xịn, cứ cảm giác bản thân thuộc vào một nhóm người mà đang bị xã hội lãng quên đi vậy. Nhưng mình tin chắc rằng chả mấy chốc mà lần tới gặp nhau, T lại ngồi trong một chiếc xe đó.

Cuối cùng! Họp lớp cấp 3! Chà, có lẽ ai cũng được làm chính con người thật của mình nhất khi ngồi với các bạn cùng lớp cấp 3. Câu chuyện có khác đi, giờ toàn con cái, vợ chồng, toàn về công việc, tài chính, nhưng cái nét “cấp 3” vẫn nguyên như xưa. Lâu lắm rồi mình mới cười nhiều thế.

Ai cũng bận, ai cũng chạy ngược xuôi, và cụm từ được nghe nhiều nhất mấy ngày qua là “tranh thủ”. Mỗi lần như thế, mình lại thấy sao mình may mắn đến vậy, vì vội vã trở về, vội vã ra đi, nhưng mọi người vẫn có thể tranh thủ cho mình được giữa dòng thời gian đáng quý của họ. Còn có quá nhiều người muốn gặp, nhưng mình buộc phải xin thứ lỗi. Chưa tới một tuần, và mình phải xếp lịch từng cuộc hẹn chỉ mấy tiếng một, và phải chạy như con thoi khắp cả Hà Nội mấy ngày qua.

Hà Nội thay đổi nhiều lắm, nhiều cầu vượt hơn, đường xá loạn tung xì ngầu rối rắm hơn. Các rừng chung cư mọc lên bao bọc tứ phía của thủ đô. Xe cộ thì giờ 90% làn đường là xe hơi, nhiều hơn hẳn ngày xưa, còn xe máy chen chúc nhau giữa các làn ô tô hoặc chui lên vỉa hè. Quá trình độ thị hoá quá nhanh, và thực sự thì hơi “loạn”. Vin có mặt khắp mọi nơi, không chỉ xe cộ, siêu thị, trường học, mà giờ gặp ai, hỏi ở đâu, thì cũng đang ở nhà Vin xây. Già thì ở chỗ sang xịn, sang bên kia cầu, trung trung tuổi thì ở các khu trung tâm, còn trẻ thì ra các chung cư ở Hà Đông hay bên Long Biên. Cũng vui, vì đâu dễ gì để ở nhà Vin, nhưng giờ bạn bè ai cũng có. Đô thị hoá thế, nhưng tối muộn vẫn nghe tiếng rao đêm, tiếng kẻng gọi đổ rác quen thuộc.

Hà Nội, dù thay đổi nhiều, con người thì vẫn vậy, vẫn là một “Canberra” của bản thân mình. Tạm biệt nhé, hẹn ngày gặp lại không xa.

--

--

Luis Nguyen
Luis Nguyen

Written by Luis Nguyen

0 Followers

Hey Duy, don’t make it bad. Take a sad song and make it better.

No responses yet