Xứ Tuyết

Luis Nguyen
5 min readNov 13, 2023

--

Không biết là một trạng thái tâm lý gì, nhưng khi bị stress, mình lại hay đi đọc sách, mà chủ yếu là sách truyện. Nghe có vẻ rất ngược đời, nhưng ngày xưa cũng vậy, mỗi lần ôn thi mà căng quá, là mình muốn quẳng tất cả đó sang một bên, rồi vùi đầu vào đọc truyện, truyện tranh, tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, nhiều lắm. Giờ lớn rồi đi làm cũng thế, đôi lúc hạn nộp báo cáo đã cần kề, nhưng cứ lôi truyện ra đọc trước đã.

Và mình nhận ra trong nhiều thể loại sách có thể đọc, văn học Nhật Bản xưa nó thực sự rất chữa lành. Đây là một thể loại văn học rất kỳ lạ, vì nội dung thực tế không có gì nhiều cả, nó đơn giản đến mức nhiều khi đọc xong cuốn sách, bạn phải thốt lên là mình đã tiêu phí cả một ngày trời hay sao, rồi tình tiết nó cũng chậm, chậm đến mức bạn phải kiên nhẫn để không lướt qua mất các câu chữ, nhưng mà rồi nó cũng rất đẹp, đẹp đến mức tâm hồn bạn như đang sống thực trong câu chuyện với đủ mọi giác quan đang cảm nhận mọi cảnh vật âm thanh trong đó vậy.

Tiêu biểu gần đây mình hoàn thành ba cuốn sách của nhà văn Yasunari Kawabata (trong một cuối tuần), ba cuốn tiểu thuyết ngắn, cuốn Tiếng núi, cuốn Ngàn cánh hạc, và cuốn Xứ tuyết. Khác với Murakami, Yoshimoto hay Keigo, những tác gia hiện đại phổ biến khi mọi người tìm tới văn chương xứ này, thì Kawabata có một cách viết khiến Nhật Bản hiện lên thật đúng với cách mọi người hay nghĩ về nó, nơi có những giá trị văn hóa và vẻ đẹp cổ xưa, xen lẫn giữa phong cảnh thiên nhiên núi rừng, và cái hư hảo u uẩn của con người và định mệnh của họ với thế giới xung quanh.

Xứ Tuyết là một câu chuyện rất giản đơn, một anh chàng đi lên núi thưởng ngoạn, và mê hai cô nàng. Nhưng mà nhờ vào theo chân chàng đó, mọi người biết tới thiên nhiên núi rừng Nhật Bản với quá nhiều hương vị khác nhau, từ sân ga, bến tàu, cho tới rặng cây, dãy núi. Tất cả sự u buồn của thiên nhiên đó được gắn với vẻ đẹp của hai người con gái, vẻ đẹp trong trắng, xa vời, mong manh, mờ ảo, như chính núi rừng phủ đầy tuyết vậy. “Giữa nền tuyết ấy là đôi má đỏ rực của người đàn bà. Một vẻ đẹp thanh khiết khó tả thành lời”. Hay khi bi kịch cuối truyện cũng được gắn với hình ảnh đốm lửa bay lên, hòa với sự long lánh đầy vẻ ma quái của bầu trời đầy sao và dải ngân hà, cái đám cháy bùng lên gắn với tiếng hét mê sảng điên dại của người đàn bà, thì cái nền trời sao đó cho thấy sự hư không của một kiếp người.

Tiếng Núi khác hơn, một ông chưa già lắm, Shingo, mới ngoài sáu mươi, nhưng đã nghĩ là mình già lắm rồi và sắp chết đến nơi rồi. Ngoài thấy sức khỏe đi xuống, thì cũng thấy đám bạn bè xung quanh bệnh tật rồi dần ra đi, vì thế nên Shingo bắt đầu suy nghĩ, và mơ, ông mơ về cái chết, ông cố nhớ tên mọi người xugn quanh, ông mơ đến những cô gái trẻ, và những giấc mơ càng sống động bao nhiêu, thì Shingo càng cảm thấy nó trái ngược với cuộc sống đang “thối rữa” bên ngoài của mình bấy nhiêu. Cuốn sách còn là mối quan hệ giữa ông và con cái mình, về cách một ông già muốn níu kéo lại cái trật tự thế giới cũ, những chấp niệm mà ông mãi không có đủ can đảm để thoát ra để đối mặt với chính con cái của mình. Câu truyện cũng chỉ đơn giản thế thôi, âm thanh của tiếng núi chính là hình ảnh ẩn dụ về âm thanh của tiếng lòng của một người đàn ông đã ngoài sáu mươi tuổi, nhưng lại nhờ vào chất văn của Kawabata mà những tiếng lòng của người xế chiều đó được miêu tả vừa mờ ảo, vừa rõ nét, hòa quyện với thiên nhiên xung quanh “Bụi dương xỉ bên dưới khoảng hiên Shingo đang ngồi cũng không lay động. Sâu trong những hẻm núi của Kamakura, đôi khi có thể nghe được tiếng sóng vào ban đêm, thành thử Shingo thoạt tưởng là tiếng động của biển, nhưng đó quả thật là tiếng núi. Nó giống như tiếng gió ở xa, nhưng lại mang một sức mạnh ngầm, sâu thẳm tựa như tiếng đất rền. Tiếng động ấy như thế vang lên trong tâm tưởng khiến Shingo nghĩ mình bị ù tai, ông lắc lắc đầu.Tiếng động chấm dứt. Chỉ sau khi tiếng động chấm dứt, Shingo mới bắt đầu bị xâm chiếm bởi một nỗi sợ. Ông lạnh người vì nghĩ rằng tiếng động ấy mách cho ông biết về ngày tận số của mình.” Một cuốn sách cứ nhẹ nhàng trôi qua, không có những cú xoay ngoạn mục, những tình tiết bất ngờ, cốt truyện chậm, đơn giản, và gần gũi, nhưng lại khiến người đọc đắm mình vào nó và như mình nói từ đầu bài, rất chữa lành. Đọc cuốn sách này mình lại nghĩ đến bố mẹ mình, cũng đang cùng độ tuổi với Shingo, và có lẽ trong họ cũng có những nỗi sợ tương tự.

Văn học của Kawataba đều mang đậm nét cảm thức mono no aware, thường được hiểu là những cảm xúc sâu lắng về sự vô thường của vạn vật. Đó là một cách tài tình nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm nhân vật để đối chiếu thiên nhiên. Như những bài thơ Haiku khi có đủ cả Wabi, Sabi, Aware và Yugen, sách của Kawataba chạm tới vẻ đẹp với sự vương vấn nét u buồn, có lẽ vì thế mà hợp với một đứa quá hướng nội như mình. Với mình, thì những cuốn sách của ông không chỉ là nơi để suy ngẫm về cuộc sống, nó còn thực sự là một phép “thiền” mới lạ để đi sâu vào trong phần tâm hồn của bản thân, để những xác tằm con chữ đó giúp mình tạm thời quên đi được những áp lực công việc và cuộc sống hiện tại, và để có một vài tiếng ngắn ngủi thực sự là nghỉ ngơi cuối tuần cho một tuần mới hiệu quả hơn.

Trong ảnh là hình ảnh của những đám cây bụi ở Canberra nước Úc vào một buổi rạng sáng mùa đông tháng 7.

--

--

Luis Nguyen
Luis Nguyen

Written by Luis Nguyen

0 Followers

Hey Duy, don’t make it bad. Take a sad song and make it better.

No responses yet