Được học.

Luis Nguyen
13 min readNov 14, 2023

--

December 31, 2022.

Trong ngày cuối cùng của năm, mình muốn chọn một cuốn sách mà mình đã đọc trong năm qua và viết vài cảm nghĩ về nó. Đây là những cuốn sách mình đọc vì sở thích và giải trí, chủ yếu là vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc cuối tuần, không tính đến các cuốn sách chuyên ngành hay học thuật. Mình đọc chỉ có 11 cuốn sách như vậy trong một năm qua, ít hơn những năm trước đây rất nhiều, vì 2022 là một năm rất bận rộn của bản thân. Nhưng để chọn một cuốn, mình quyết định chọn cuốn “Educated — Được học” của tác giả Tara Westover. Mình rất ít khi đọc hồi ký, vì mình luôn thích sách tiểu thuyết hơn, nhưng cuốn sách này vô tình đến với mình trong một lần lang thang vào chuỗi tiệm nhà sách Dymocks và nó được bày bán ở ngay lối vào. Cầm cuốn sách lên và ngay những dòng đầu tiên cuốn hút mình:
“I’m standing on the red railway car that sits abandoned next to the barn. The wind soars, whipping my hair across my face and pushing a chill down the open neck of my shirt. The gales are strong this close to the mountain, as if the peak itself is exhaling. Down below, the valley is peaceful, undisturbed. Meanwhile our farm dances: the heavy conifer trees sway slowly, while the sagebrush and thistles quiver, bowing before every puff and pocket of air. Behind me a gentle hill slopes upward and stitches itself to the mountain base. If I look up, I can see the dark form of the Indian Princess. The hill is paved with wild wheat. If the conifers and sagebrush are soloists, the wheat field is a corps de ballet, each stem following all the rest in bursts of movement, a million ballerinas bending, one after the other, as great gales dent their golden heads. The shape of that dent lasts only a moment and is as close as anyone gets to seeing wind. Turning toward our house on the hillside, I see movements of a different kind, tall shadows stiffly pushing through the currents. My brothers are awake, testing the weather. I imagine my mother at the stove, hovering over bran pancakes. I picture my father hunched by the back door, lacing his steel-toed boots, and threading his callused hands into welding gloves. On the highway below, the school bus rolls past without stopping. I am only seven, but I understand that it is this fact, more than any other, that makes my family different: we don’t go to school.”
Đoạn miêu tả trên rất ấn tượng, nó làm mình tưởng tượng tới cảnh miền quê ở vùng trung nước Mỹ, với những dãy núi, trang trại, cánh đồng lúa mì, và rừng, cứ trập trùng uốn mình chuyển khúc khi lái xe qua đó. Và nó kết thúc bằng một câu văn cũng ấn tượng không kém cạnh. “Trên con đường cao tốc đi ngang qua nhà tôi, không một trạm dừng hay một chiếc xe bus nào dừng lại. Lúc đó tôi mới chỉ bảy tuổi thôi, nhưng tôi hiểu được rằng, khác với mọi gia đình khác, gia đình tôi không tới trường học”.
Và đây chính là điều khiến mình tò mò, vì tên cuốn sách là “Educated” — Được học. Trái ngược với cả vùng quê kia và cả cái mở đầu đó. Mình biết được đây sẽ không phải là một cuốn hồi ký bình thường, và khi mua nó về, mình đã đọc một mạch hết cuốn sách trong ngày hôm đó.

Cuốn sách nói về hành trình chiến đấu để có được con chữ của Tara, từ vùng quê nghèo, gia đình bảo thủ không giáo dục, bạo lực, cho tới tốt nghiệp tiến sĩ ngành Lịch sử và ngôn ngữ học ở đại học hàng đầu thế giới — Cambridge. Tara lớn lên trong một gia đình nông thôn miền núi, gia đình có tới 7 anh chị em. Nhà cô không nghèo (cũng không giàu), nhưng bố và mẹ cô lại không được giáo dục và không tin vào giáo dục, và đặc biệt họ còn là tín đồ rất cuồng đạo Mặc môn (Mormon). Họ tin rằng tiếp cận với văn minh nhân loại là đi ngược với tự nhiên, không tin hệ thống trường công, cho rằng trường học sẽ khiến các con của họ phải rời xa Chúa. Tất cả đều không có giấy khai sinh, không có hồ sơ y tế, sống ẩn nấp, chưa từng được chăm sóc ý tế bệnh viện, cuộc sống tách biệt và tự cung tự cấp. Vì thế Tara và các anh chị em cô từ bé đã đi nhặt phế liệu ở chân núi Buck, và làm việc ở xưởng xử lý rác phế liệu của gia đình và đó là tương lai được định sẵn cho những đứa trẻ nhà Westover. Ngoài sự thiếu hiểu biết của người dân vùng quê, họ còn rất xem thường và phân biệt phụ nữ. Bố của cô hà khắc, nóng tính, và áp đặt nhiều điều, và điều này cũng ảnh hưởng tới cả xu hướng bảo lực của anh trai cô — Shawn. Sau này thay bố, Shawn là người đánh đập và thậm chí dọa giết cô nhiều lần. Cô bắt đầu có ham muốn được đi học khi một người anh khác của cô Tyler, dũng cảm rời khỏi nhà và đi học, anh cô nói với cô “Ngoài kia có cả một thế giới, Tara ạ”. Cô vì thế đã quyết tâm tự học, ôn luyện, và năm 17 tuổi, cô được nhận vào trường đại học Brigham Young (mình chỉ tóm tắt thôi, nhưng chắc các bạn đều đoán được hành trình này cực kì gian khổ ra sao), đó cũng là lần đầu tiên cô bước chân tới một ngôi trường. Tất nhiên với một cô bé cả 17 năm chưa bao giờ tới trường, thì dù có được nhận vào cánh cửa đại học, nhưng mọi thứ sau đó đối với cô vẫn là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, mà mình sẽ để các bạn tự đọc và cảm nhận. Sau này, khi cô được nhận sang Anh để học ở Cambridge, và còn làm xong cả tiến sĩ, gia đình cô vẫn tách biệt cô, họ còn nghĩ cô bị quỷ dữ cướp mất linh hồn, anh trai bạo lực kia của cô còn gọi điện và dọa sẽ thuê người giết cô. Trong cuốn sách, cô cũng viết về hành trình cô tự tái kiến tạo bản thân như thế nào, và quyết định bỏ lại gia đình của cô ra sao.

Nội dung cuốn sách chỉ có vậy, nhưng sao mình lại rất thích. Có lẽ ngoài cách viết (của một tiến sĩ lịch sử), cách cô miêu tả từ cảnh sắc quê nhà, cuộc sống, tới những trăn trở suy nghĩ, thì điều khiến mình thích đó là hành trình cô độc của cô có phần nào đó khiến mình nghĩ tới bản thân.

Mình lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh, một vùng trũng về kinh tế của Việt Nam với khí hậu nắng cháy da, gió Lào rát mặt và mưa thấm bùn non. Khác với Tara, thì mình được nói về tầm quan trọng của giáo dục từ khi còn rất bé. Từ ngoài xã hội, vùng quê mà luôn phải học cao để thoát nghèo, để có thể rời quê đi lập nghiệp, học cao để sau này giúp quê hương, cho tới học cao vì “không học thì đi bốc cám mà ăn”. Cho tới trong gia đình, khi bố mẹ mình rất chú tâm tới việc học hành của con cái, nên mình được bố mẹ dạy từ bé. Lúc bé xíu cấp một, nhà nghèo hơn, mình không được học lớp chọn, không học bán trú, không học thêm, thay vào đó, bố mẹ dạy cho mình từ cách viết chữ, tới cách đọc, tính toán. Tới cấp hai, khi mà kinh tế gia đình ổn định hơn, mình được đi học thêm, và sau này cấp 3 là vào trường chuyên. Ở trường chuyên, mình chỉ học thêm theo quy định ở trên trường hoặc là theo các thầy cô trực tiếp dạy mình từ trên trường, mình không thể tham gia các lớp học kèm chỉ khoảng dưới 10 sinh viên với giá học phí bằng luôn tiền lương của bố mẹ mình một ngày cho một buổi ngồi học được. Toàn bộ quá trình ấy (từ mẫu giáo cho tới hết cấp 3), mình luôn có thành tích tốt trong học tập, và luôn được giải cao trong tất cả các kì thi cấp huyện, tỉnh. Mình còn nhớ câu nói của một chú đồng nghiệp của bố trong cơ quan, bảo rằng “ông thật là may mắn, vì mỗi năm ông đóng vào 1 triệu tiền quỹ khuyến học của cơ quan (mình không nhớ con số chính xác), nhưng hai thằng con ông (mình và em trai), lúc nào cũng cuỗm về gấp bốn lần số tiền đó.”

Nhưng nếu mà như vậy, tại sao mình lại nghĩ mình giống với Tara. Đó là khi mình bước chân ra khỏi Hà Tĩnh, và được biết tới các bạn thành phố như ở Hà Nội. Đối với các bạn trẻ bây giờ, khi mà kinh tế khá hơn nhiều, đất nước mở cửa, thì những khoảng cách này nó nhỏ đi rất nhiều rồi. Nhưng với mình ngày đó, thì đó là một cái khoảng rất lớn. Bạn cùng phòng với mình ngày xưa khi mình còn ở Mỹ, bạn ấy đến từ Đà Nẵng. Khi mà cậu ấy được ra Hà Nội để học tập trung đội tuyển thi quốc tế gần 20 năm trước, thì giờ nhớ lại, vẫn kể đùa với mình rằng, cứ ấn tượng mãi với tụi con gái ở thủ đô, khi mà tụi nó biết trang điểm, bôi son, còn mặc áo ngực màu sắc cá tính (để nổi bật lên và quyến rũ hơn khi mặc áo đồng phục sơ mi trắng ở ngoài), làm cho thằng bé hồi đó cứ ngẩn ngơ mãi. Đà Nẵng đã là thành phố rồi mà vẫn thấy khoảng cách xa thế đó, thì phải tưởng tượng khi mình từ Hà Tĩnh đi ra sẽ như thế nào. Thực tế thì mình đã trải qua điều này một lần từ hồi lên cấp 3 và từ huyện nhỏ vào thành phố để học trường chuyên rồi, khi mà thấy các bạn trong đó thật ngầu và biết thật nhiều điều. Nhưng sau này ra Hà Nội, thì mình thấy cái khoảng cách thật là xa. Không chỉ về kiến thức trong các môn học, mà các bạn ấy am hiểu rất nhiều, từ lịch sử, triết học, đến mọi thứ ở đâu đó các bạn ấy biết tới thậm chí không phải trong Việt Nam nữa (hồi đó việc kết nối internet là còn hiếm, nên mình không biết gì nhiều ngoài sách vở đâu). Các bạn ấy còn nói tiếng anh tốt, ăn mặc sành điệu, thời trang, nghe nhạc tiếng anh. Các bạn ấy chơi nhạc cổ điển, luận nhạc và nói về âm nhạc như những nhà phê bình, các bạn còn chơi thể thao tốt, và có các câu lạc bộ bóng rổ, nhảy hip-hop, và đủ thứ mà một đứa như mình thấy được rõ khoảng cách đó. Rồi từ Việt Nam, mình tìm được học bổng toàn phần để đi nước ngoài. Không có một chữ tiếng anh (vì học chuyên môn tự nhiên ở Hà Tĩnh hồi đó thì không phải học tiếng anh, nói thẳng ra là được thầy cô cho điểm, chỉ tập trung toán lý hóa sinh thôi), và đặc biệt hơn, không đủ tiền để du học Âu Mỹ, nên mình chớp lấy cơ hội sớm nhất và cho mình học bổng toàn phần để đi Nga. Rồi cũng vì lý do tài chính, mà đi vòng vèo nhiều nước, nơi nào cho mình toàn bộ tiền học phí và ăn ở thì mình chạy qua nơi đó học. Trong quá trình đó, những cái khoảng cách ngày xưa nó vẫn tồn tại. Mình từng thấy các bạn học các trường ở HN và SG có các hội cựu học sinh mạnh và giúp đỡ nhau tốt ra sao, hay các bạn được định hướng tương lai từ sớm và rõ ràng như thế nào. Hay các bạn ấy được đi thẳng tắp từ trường cấp 3 sang một trường top thế giới ra sao. Mình từng ganh tị với tất cả những điều đó.

Và có phần nào đó thật xấu hổ và ngông cuồng, mình chạy đuổi theo cái gap (khoảng cách đó). Mình tin rằng, mọi đứa trẻ ở thôn quê hay thành phố, ở một ĐH ở Việt Nam hay Harvard, đều có thể có khả năng như nhau, chỉ khác sau bởi cái môi trường xung quanh thôi, bao gồm có xã hội, cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo, triết lý giáo dục và cả các thầy cô, v.v. Nên nếu mình cố gắng, mình sẽ đuổi kịp và vượt qua được cái khoảng cách kia. Vì thế, mình luôn cố gắng hết trong mọi thứ, tụi nó biết chơi đàn, mình cũng học đàn, tụi nó biết nghệ thuật, mình cũng học vẽ, làm thơ, viết lách, tụi nó biết lịch sử, triết học, mình cũng học và đọc về điều đó, phải hàng trăm cuốn sách từ bên Âu cho đến Tàu Nhật, mình đều kinh qua. Tụi nó nói tiếng Anh tốt, mình học luôn mấy ngoại ngữ. Tụi nó thích nói về chính trị, mình có thể tranh luận cả tiếng về các đảng phái. Ngày xưa khi nói chuyện, tụi nó đôi lúc trích dẫn từ phim, kịch hay tiểu thuyết để show off kiến thức, giờ mình nếu muốn, cũng có thể làm như vậy. Nhiều thứ lắm. Mình cũng tìm cách học cao hơn, cao hơn nữa, trường cũng theo thế mà lên hạng top cao dần, cho đến khi xong luôn Tiến sĩ ở trường xếp hạng hàng đầu thế giới. Tụi nó được du học các trường top ở các nước phát triển nhất, giờ mình đứng giảng dạy cho chính tụi nó ở trong những ngôi trường đó luôn. Tất nhiên hiện tại mình đang vượt qua khỏi cái khoảng cách ngày xưa đó về nhiều thứ rồi, nhưng nhiều thứ khác lại đang chỉ tiệm cận thôi, vì tụi nó đâu chỉ ngồi một chỗ mà chờ đợi mình đuổi kịp đâu. Người ta bảo, kiếm 1 triệu đô đầu tiên trong đời rất khó, cực kì khó, nhưng từ một triệu lên 10 triệu thì lại dễ hơn nhiều, vì có lẽ làm gì cũng thế, có vốn sẵn sẽ khiến mọi nền móng vững chắc hơn cho xây căn nhà sau này dễ dàng hơn. Ví dụ như trước kia vì có một con đường dễ dàng hơn, nên giờ tụi nó đã ổn về kinh tế, rồi có hỗ trợ từ gia đình nữa, mua nhà đầu tiên, rồi căn nhà thứ hai, và giờ đang hoàn toàn thoải mái tập trung vào những sở thích và sự nghiệp. Còn bản thân mình vẫn đang phải chạy song song cả hai. Lâu dần sau này, tụi nó còn tích đủ tài chính và quan hệ, sẽ lại dấn thân vào cuộc đua quyền lực nữa. Mình tự hỏi, đến lúc đó, mình còn muốn đuổi theo như vậy không, hay mình đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác rồi. Tụi nó ở đây chỉ một nhóm các bạn nào đó ở thành phố lớn, được lớn lên trong gia đình có kinh tế giàu có, bố mẹ học thức học vị cao, quyền lực trong xã hội, và bản thân các bạn ấy cũng rất giỏi. Và tụi nó tất nhiên cũng không quan tâm và không biết đến mình là ai, vì tụi nó còn phải vượt giàu, vượt qua cái bóng của bố mẹ và những người mà tụi nó ngưỡng mộ nữa.

Có nhiều bạn sẽ nghĩ rằng so sánh là độc hại, và chỉ nên xem bản thân mình phát triển ngày hôm nay so với hôm qua như thế nào. Và vì mình vẫn nghĩ tới khoảng cách như vậy, có lẽ mình vẫn chưa thực sự được “educated”. Nhưng bản thân mình nghĩ rằng, cũng như Tara, khi mình theo đuổi những điều trên, mình cũng đang kiến tạo bản thân. Tara vượt qua cái khoảng cách ở núi Buck và gia đình cuồng đạo để đi tới với thế giới của tri thức ở Cambridge. Mình cũng đuổi theo một cái khoảng cách vô hình từ Hà Tĩnh cho tới Hà Nội, cho tới Âu Mỹ, từ ngồi trường ở một huyện nhỏ ở một tỉnh nghèo Hà Tĩnh, tới đứng giảng ở giảng đường một ngồi trường thuộc thứ hạng cao nhất trên thế giới. Trong cái hành trình đơn độc đó, mình tìm được đam mê, có được sở thích, biết được giới hạn của bản thân, và có định hướng, ước mơ riêng. Cũng như Tara, mình chọn giáo dục để lấp đầy khoảng cách ngày xưa kia, mình được dạy, đặc biệt được tự học, được đào tạo từ các ngôi trường tốt và lớn nhất, và được may mắn có sức khỏe và trí tuệ để theo đuổi điều đó.

Tara nói rằng nếu chúng ta sống gần một phần ba đời mình với những niềm tin sai lệch, thì hai phần ba đoạn đường còn lại sẽ là một hành trình rất khó khăn để chữa lành những tổn thương của mình. Phải chăng chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian trong một cuộc sống đầy đủ mà chúng ta có, trong khi đó Tara đã tận dụng mọi cơ hội để vượt lên số phận ngặt nghèo. Bill Gates nói rằng “tôi nghĩ rằng tôi khá giỏi trong việc tự học cho đến khi tôi đọc cuốn hồi ký của Tara Westover. Khả năng tự học của cô ấy đã thổi bay tôi ra khỏi mặt nước.” Mình thấy rằng mình sẽ không còn có cơ hội để đi tới trường học lên nữa (tất nhiên là nói về bằng cấp vì Tiến sĩ là bậc học cuối cùng rồi, chứ việc học là học, học nữa, học mãi), thì cuốn hồi ký của Tara không chỉ truyền cảm hứng, mà nó còn là một sự phản chiếu để mình nhìn lại quá trình tới trường của bản thân. Đó cũng là lý do tại sao mình chọn cuốn sách này cho bài viết hôm nay.

--

--

Luis Nguyen
Luis Nguyen

Written by Luis Nguyen

0 Followers

Hey Duy, don’t make it bad. Take a sad song and make it better.

No responses yet